1. Những yêu cầu bắt buộc nào đối với phụ gia thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên?
Luật chung về Thực phẩm
Tất cả các sản phẩm thực phẩm và thành phần của chúng đều phải tuân thủ với Quy định (EC) số 178/2022. Quy định này đề ra các nguyên tắc và yêu cầu chung đối với luật thực phẩm, thành lập Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu, đồng thời đưa ra các thủ tục về vấn đề an toàn thực phẩm. Luật chung về Thực phẩm xác định ba nguyên tắc: Minh bạch, phân tích rủi ro và nguyên tắc phòng ngừa. Theo ba nguyên tắc này, luật pháp châu Âu yêu cầu thực hiện các quy trình theo Phân tích mối nguy và Các điểm kiểm soát tới hạn (HACCP).
Những sản phẩm không tuân thủ đúng với các yêu cầu về an toàn thực phẩm trong luật sẽ bị thông báo trên Hệ thống cảnh báo nhanh về Thực phẩm và Thức ăn chăn nuôi của Liên minh châu Âu (RASFF). Các thông tin trao đổi qua RASFF có thể dẫn tới việc các sản phẩm bị thu hồi trên thị trường, và điều này sẽ tạo ra gánh nặng đối với người mua hàng của công ty cũng như chính công ty xuất khẩu hàng vào châu Âu.
Thực phẩm được cấp phép và quy định mới về minh bạch.
Việc cấp phép thực phẩm ở EU được quy định tại nhiều luật khác nhau, tuỳ thuộc vào việc phân loại thực phẩm. Quy định (EC) số 1331/2008 đưa ra Thủ tục Cấp phép chung (CAP) đối với các chất phụ gia, men và hương liệu cho thực phẩm. CAP trình bày theo sự sắp xếp các thủ tục để cập nhật các danh mục tương ứng từ Liên minh châu Âu.
Quy định mới về tính minh bạch để đảm bảo minh bạch hơn về đánh giá rủi ro trong chuỗi thực phẩm được áp dụng từ ngày 27/3/2021. Cần biết rằng việc cấp phép cho các sản phẩm mới luôn là một quy trình phức tạp và tốn kém, thường cần có sự tham gia của các công ty lớn. Những công ty lớn này rất có thể là người mua tiềm năng của bạn và việc biết được các sản phẩm sắp được cấp phép có thể giúp bạn dự đoán nhu cầu thị trường đối với các nguyên liệu mới.
Quy định về phụ gia thực phẩm
Quy định (EC) số 1333/2008 đưa ra các quy định chi tết về phụ gia thực phẩm. Phụ lục II liệt kê các phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm và các điều kiện sử dụng. Phụ lục III liệt kê các chất được phép sử dụng trong phụ gia thực phẩm và điều kiện sử dụng. Các phụ gia thực phẩm được sử dụng để bảo quản, tạo màu và ổn định thực phẩm trong quá trình sản xuất, đóng gói và lưu trữ.
Mỗi loại phụ gia thực phẩm được Liên minh châu Âu phê duyệt đều được cấp một mã số điện tử (E-number). Có được mã số điện tử có nghĩa là phụ gia đó đã vượt qua các kiểm tra về an toàn và được cấp phép sử dụng. Để kiểm tra các chất phụ gia được phép và cách sử dụng chúng, có thể tham khảo Cơ sở dữ liệu các Chất phụ gia của Liên minh Châu Âu
Luật về hương liệu
Quy định (EC) số 1334/2008, cũng được biết tới như là luật về hương liệu của EU, trong đó thiết lập các yêu cầu chung về các loại hương liệu và một số thành phần thực phẩm có đặc tính tạo hương được sử dụng trong sản xuất và chế biến thực phẩm. Các nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên như các loại nhựa cây có chứa dầu, tinh dầu và một số chất chiết xuất được coi là hương liệu đều phải tuân thủ quy định này.
Để biết thêm thông tin về luật hương liệu của Châu Âu, hãy truy cập trang web của Hiệp hội Hương liệu Châu Âu và đọc Tài liệu Hướng dẫn
Quy định về Thực phẩm mới
Quy định (EU) về Thực phẩm mới 2015/2283 định nghĩa các thực phẩm mới là các thực phẩm dành cho người không được tiêu thụ ở mức độ có thể kể đến tại Liên minh châu Âu trước ngày 15/5/1997.
Khi nghi ngờ liệu sản phẩm hoặc nguyên liệu thô của bạn có được công nhận là thực phẩm trong EU hay không, hãy kiểm tra Danh mục thực phẩm mới được trích từ Danh sách thực phẩm mới của Liên minh châu Âu
Các chất gây ô nhiễm
Chất gây ô nhiễm là những chất không được chủ ý thêm vào nhưng có thể xuất hiện trong thực phẩm do các giai đoạn khác nhau của quá trình sản xuất, chế biến hoặc vận chuyển. Chúng cũng có thể là kết quả của ô nhiễm môi trường. Vì các chất gây ô nhiễm có thể gây rủi ro cho sức khỏe con người, Liên minh Châu Âu đã thiết lập các quy định khác nhau để kiểm soát sự hiện diện của các chất gây ô nhiễm trong thực phẩm. Các chất được quy định bao gồm acrylamide và furan; độc tố tự nhiên như mycotoxin và alkaloids; các chất gây ô nhiễm môi trường như chất chống cháy brom hóa, điôxin và biphenyl polychlorin hóa; và kim loại.
Các quy định chính của EU về các chất gây ô nhiễm gồm:
- Quy định 315/93/EEC về các thủ tục đối với các chất gây ô nhiễm trong thực phẩm
- Quy định 1881/2006 về mức độ tối đa đối với một số chất gây ô nhiễm trong thực phẩm
Tiêu chí về độ tinh khiết của các phụ gia thực phẩm đã được cấp mã số điện tử được quy định theo từng trường hợp theo Phụ lục của Quy định (EU) số 231/2012.
Dư lượng thuốc trừ sâu
Các mức độ tối đa về dư lượng (MRLs) đối với thuốc trừ sâu trong thực phẩm được cụ thể tại Quy định (EC) số 396/2005. Các giới hạn đối với nguyên liệu thô cũng được áp dụng tương ứng đối với các sản phẩm phái sinh như các chất chiết xuất hay các chất phụ gia thực phẩm.
Cần lưu ý rằng các quy trình chiết xuất có thể làm xuất hiện dư lượng thuốc trừ sâu thậm chí là rất nhỏ có trong nguyên liệu thô dùng để chế biến sản phẩm của công ty. Do vậy các công ty cần theo dõi cẩn thận việc phân tích trong phòng thí nghiệm để đảm bảo tính tuân thủ đối với MRLs. Các công ty cũng có thể kiểm tra cơ sở dữ liệu MRL để xác định các MRL có liên quan đến sản phẩm của công ty mình.
Các dung môi chiết xuất
Đối với các phụ gia thực phẩm đã được cấp mã số điện tử (E-number), các thông số kỹ thuật cho việc sử dụng các dung môi chiết xuất được quy định cụ thể cho từng trường hợp trong Quy định (EU) số 231/2012. Các tiêu chí về độ tinh khiết trong quy định này thiết lập mức dư lượng dung môi tối đa cho từng dung môi, cho dù ở dạng đơn chất hay hợp chất.
Việc sử dụng các dung môi chiết xuất cho tất cả các loại thực phẩm chế biến sẵn và thực phẩm sơ chế được quy định theo Chỉ thị 2009/32/EC. Phụ lục I liệt kê một danh sách các dung môi chiết xuất được cấp phép sử dụng cho thực phẩm và điều kiện sử dụng. Chẳng hạn như việc sử dụng sulphur dioxide để chiết xuất là không được phép.
CẦN LƯU Ý: Do các tiêu chí nghiêm ngặt về độ tinh khiết và để tránh các vấn đề về mức dư lượng dung môi, ngành công nghiệp đang hướng tới các chất không chứa dung môi và nhiều người mua thích mua chiết xuất từ quá trình chưng cất bằng hơi nước.
Phân loại, nhãn mác và bao bì đóng gói
Hệ thống Hài hoà Toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hoá chất (GHS) được xây dựng để tiêu chuẩn hoá và hài hoà trong quản lý hoá chất toàn cầu. Tại EU, điều này được thực hiện thông qua Quy định 1272/2008 về phân loại, nhãn mác và bao gì đóng gói (CLP) các chất và các hỗn hợp. Quy định về CLP áp dụng cho các phụ gia thực phẩm và hương liệu, không áp dụng cho thực phẩm chế biến sẵn.
Cơ sở dữ liệu về phân loại và nhãn mác (C&L Inventory) chứa đựng thông tin về phân loại và nhãn mác của các chất đã đăng ký và nhận được thông báo từ phía các nhà sản xuất và các nhà nhập khẩu. Cơ sở dữ liệu này có trên trang web của Cơ quan Hoá chất châu Âu (ECHA), bao gồm cả danh sách các phân loại hài hoà. Một số phụ gia thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên như màu điều nhuộm (annatto), tinh dầu bạc hà, chất làm đặc tự nhiên từ guar.
Bên cạnh CLP, các vật liệu dùng làm bao bì đóng gói cũng phải tuân thủ Quy định (EC) số 1935/2004 về vật liệu và vật phẩm tiếp xúc với thực phẩm. Quy định này nhằm ngăn ngừa ô nhiễm thực phẩm để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
CITES – Bảo vệ các loài nguy cấp
Công ước Quốc tế về buôn bán các loài động vật và thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (CITES) là một hiệp ước quốc tế nhằm chống lại việc buôn bán các loài động vật và thực vật hoang dã (hoặc các bộ phận của chúng hoặc dẫn xuất từ chúng) có nguy cơ tuyệt chủng. Pháp luật về động vật hoang dã của EU, Quy định (EC) 338/97, được xây dựng dựa trên CITES và bao gồm cả một hệ thống kiểm tra kép liên quan đến kiểm soát xuất nhập khẩu ở quốc gia xuất xứ và ở cấp độ EU.
Do ngành phụ gia thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên không ngừng tìm kiếm các loại thực vật để thay thế các thành phần tổng hợp, nên quy định này bao hàm cả nghĩa vụ của bên xuất khẩu và bên nhập khẩu trong lĩnh vực này. Các công ty nhỏ của châu Âu có rất nhiều cách để tiếp cận các vấn đề có liên quan đến CITES. Một số công ty tránh việc sử dụng các nguyên liệu thô đã được ghi nhận trong CITES, trong khi một số công ty khác lại yêu cầu các loài đã được liệt kê trong CITES phải được trồng trọt thay vì thu hái trong tự nhiên. Trong mọi trường hợp, với tư cách là nhà cung cấp, công ty của bạn phải có trách nhiệm chuẩn bị các tài liệu cần thiết. Các công ty châu Âu thường sẽ hợp tác với công ty của bạn để thu thập thông tin và đảm bảo tuân thủ quy định của EU.
Để tìm hiểu xem sản phẩm của bạn có tuân theo quy định của CITES hay không và để hiểu rõ hơn về yêu cầu nhập khẩu này, hãy truy cập Access2Markets, cổng thông tin thương mại của EU.
Tiếp cận và Chia sẻ lợi ích (ABS)
Nghị định thư Nagoya về Tiếp cận và Chia sẻ lợi ích nhằm mục đích chia sẻ các lợi ích một cách công bằng và hợp lý từ việc sử dụng các nguồn gen. Liên minh châu Âu là một bên ký kết Nghị định thư, điều đó có nghĩa là cả Liên minh và từng quốc gia thành viên đều phải có nghĩa vụ pháp lý thực hiện các cơ chế nhằm tuân thủ các nguyên tắc của nghị định thư. Quy định EU 511/2014 dùng để thực hiện Nghị định thư Nagoya.
Do việc thực hiện Nghị định thư Nagoya được áp dụng khác nhau tuỳ theo luật của mỗi quốc gia, vì vậy người mua châu Âu mong muốn các nhà cung cấp có hiểu biết về khung quy định liên quan tới ABS tại quốc gia của họ và hợp tác để tạo điều kiện cho sự tuân thủ của họ. Một số công ty châu Âu có thể yêu cầu các nhà cung cấp của họ phải có Chứng nhận Quốc tế về Sự tuân thủ (IRCC) do Cơ quan Thanh toán bù trừ Tiếp cận và Chia sẻ lợi ích (ABSCH) cấp. Chứng chỉ này đảm bảo rằng các công ty có quyền truy cập hợp pháp vào nguồn gen theo Nghị định thư Nagoya và nó thường được yêu cầu đối với các nhà cung cấp từ các nước đang phát triển, nơi được xác định có rủi ro cao về việc không tuân thủ quy định ABS.
2. Người mua phụ gia thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên thường đòi hỏi thêm các yêu cầu và chứng nhận bổ sung gì?
Các chứng nhận quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm
Người mua phụ gia thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên ở châu Âu thường yêu cầu các nhà cung cấp của mình phải có chứng nhận về hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 và chứng nhận quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000. Đối với một số người mua hàng châu Âu, việc thực hiện các tiêu chuẩn và chứng nhận do Sáng kiến An toàn Thực phẩm Toàn cầu (GFSI) cấp đang ngày càng trở thành một yêu cầu tối thiểu, trong đó phổ biến nhất là các chứng nhận FSSC 22000, BRCGS và IFS.
Đối với một số người mua, đặt biệt là tại các công ty lớn của châu Âu, các yêu cầu về quản lý chất lượng cũng được áp dụng đối với sản xuất nguyên liệu thô. Trong các trường hợp như vậy, người mua muốn đảm bảo rằng các nguyên liệu thô được sử dụng để sản xuất các phụ gia thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên được canh tác theo tiêu chuẩn Thực hành Nông nghiệp Tốt (GAP). Đánh giá Tính bền vững của Nông dân (FSA) của nền tảng SAI là một trong những công cụ phổ biến được các công ty châu Âu sử dụng để đánh giá việc quản lý chất lượng trong sản xuất nguyên liệu thô.
Các yêu cầu về tính bền vững
Tính bền vững là một chủ đề quan trọng và xuyên suốt ở châu Âu. Các công ty thuộc mọi quy mô đang tích hợp tính bền vững vào chiến lược kinh doanh của họ, không chỉ được thúc đẩy bởi niềm tin của chính họ hoặc nhu cầu của người tiêu dùng, mà còn bởi những thay đổi sắp tới về luật, nhằm biến tính bền vững trở thành tiêu chuẩn. Một ví dụ về những thay đổi pháp lý này là Chỉ thị về Thẩm định tính Bền vững của các doanh nghiệp, đã được Ủy ban Châu Âu thông qua vào tháng 2 năm 2022. Các quy tắc mới sẽ đảm bảo rằng các doanh nghiệp giải quyết các tác động tiêu cực đến nhân quyền và môi trường do các hành động của họ gây ra, bao gồm cả chuỗi giá trị của họ ở trong và ngoài châu Âu. Đề xuất chỉ thị này phù hợp với chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn”, một phần của Thỏa thuận Xanh Châu Âu. Chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn” hướng đến hệ thống thực phẩm công bằng, tốt cho sức khỏe và thân thiện với môi trường trên khắp châu Âu.
Đối với một số công ty châu Âu trong lĩnh vực phụ gia thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên, tính bền vững rất quan trọng và đang trở thành một phần trong mọi quyết định của công ty. 34.000 công ty châu Âu trong lĩnh vực nguyên liệu thực phẩm được Fi Global Insights khảo sát năm 2022 đã đồng ý rằng các chính phủ nên thiết lập một tiêu chuẩn pháp lý tối thiểu cho sự bền vững và thẩm định của công ty; 81% cho biết các doanh nghiệp nên bị phạt nếu họ không tuân thủ các tiêu chuẩn pháp lý tối thiểu về sự bền vững và trách nhiệm giải trình của công ty.
Trong số các chứng nhận và tiêu chuẩn xã hội phổ biến nhất áp dụng cho lĩnh vực phụ gia thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên là Sedex/SMETA, Sáng kiến tuân thủ Trách nhiệm Xã hội trong Kinh doanh (BSCI), Fairtrade và Fair for Life. Ecovadis và Liên minh Thương mại Sinh học có Đạo đức (UEBT) là các chứng nhận bổ sung liên quan đến một số thành phần nhất định.
Về tính bền vững môi trường, các chứng nhận như Fair Wild và Rainforest Alliance là một trong những chứng nhận phổ biến nhất. Mỗi người mua ở Châu Âu có thể có các quan điểm khác nhau đối với chứng nhận: một số công ty thích thực hiện đánh giá của riêng họ bằng cách đến thăm nhà cung cấp của mình, trong khi những công ty khác lại yêu cầu nhà cung cấp của mình phải có chứng nhận.
Mặc dù các chứng nhận nêu trên được sử dụng phổ biến nhất trong ngành phụ gia thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên, nhưng sẽ tuỳ thuộc theo các yêu cầu cụ thể từ người mua. Do đó, trước khi làm chứng nhận, bạn nên nói trao đổi với người mua của mình để xác minh nhu cầu của họ.
Ngoài ra còn có các sáng kiến và khung tự nguyện dành riêng cho ngành mà các công ty tham gia, chẳng hạn như Điều lệ về tính bền vững của Hiệp hội nước hoa quốc tế (IFRA) và Tổ chức quốc tế ngành công nghiệp hương liệu (IOFI). Một thực tế phổ biến khác là việc thực hiện các quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp. Các quy tắc ứng xử này thường dựa trên Hiệp ước Toàn cầu của Liên Hợp Quốc và các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Các chứng nhận quan trọng nhất mà người mua châu Âu yêu cầu trong lĩnh vực phụ gia thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên
- Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC) 22000: áp dụng tại toàn bộ thị trường EU, nhưng phổ biến ở một số quốc gia bao gồm Hà Lan, Italia, Pháp, Tây Ban Nha, Thuỵ Sĩ và các nước thuộc Scandinavi.
- Các tiêu chuẩn Toàn cầu của Hiệp hội bán lẻ Anh quốc (BRCGS): áp dụng tại Vương quốc Anh, Đức, Pháp.
- Các tiêu chuẩn Quốc tế đặc biệt (IFS): Chủ yếu ở thị trường Đức và Pháp.
- FairWild: Áp dụng tại Vương quốc Anh, Đức và Pháp.
- Rainforest Alliance: áp dụng ở toàn bộ EU nhưng chủ yếu tại Tây và Bắc Âu.
- Kiểm toán Thương mại có Đạo đức các thành viên của Sedex (SMETA): Hầu hết người mua ở Châu Âu công nhận kiểm toán SMETA là một đánh giá hợp lệ, nhưng nó chủ yếu phổ biến ở: Vương quốc Anh và Đức.
- Sáng kiến tuân thủ Trách nhiệm Xã hội trong Kinh doanh (amfori BSCI): Áp dụng tại thị trường Đức và Hà Lan.
- Fairtrade and Fair for Life: áp dụng tại Vương quốc Anh, Đức, liên minh Belanux (Bỉ, Hà Lan và Luxembourg).
- EU Organic: Áp dụng tại toàn bộ EU, tuy nhiên mỗi quốc gia lại có nhãn hữu cơ riêng theo từng quốc gia.
Tài liệu mà người mua sẽ yêu cầu công ty bạn cung cấp không chỉ được sử dụng để đánh giá mức độ tuân thủ của sản phẩm của bạn với các quy định của Châu Âu mà còn để đánh giá việc đáp ứng các thông số kỹ thuật mua hàng đã thỏa thuận, phù hợp với yêu cầu của người dùng cuối cùng trong ngành hàng. Do đó, tài liệu được yêu cầu sẽ phụ thuộc vào yêu cầu cuối cùng của khách hàng cũng như vào phân khúc thị trường nơi công ty đang bán phụ gia thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên của mình. Tuy nhiên, có một số tài liệu cần thiết mà bạn sẽ được yêu cầu nộp:
Các giấy tờ tài liệu khác có thể được yêu cầu gồm:
- Khai báo chất gây dị ứng
- Chứng nhận không phóng xạ
- Khai báo kim loại nặng
- Giấy chứng nhận không biến đổi gen
- Không chứa gluten
Kiểm tra Bảng dữ liệu kỹ thuật về hương liệu có nguồn gốc tự nhiên này có chứa dữ liệu về chất gây dị ứng và thông tin về trạng thái không biến đổi gen.
Các chứng nhận cập nhật về hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, hữu cơ, thương mại công bằng, kosher, halal và các chứng nhận khác cũng phải được nộp theo yêu cầu của người mua.
Một số người mua phân phát bảng câu hỏi về nhà cung cấp để đánh giá các nhà cung cấp mới. Những câu hỏi này yêu cầu thông tin về ví dụ: thông số kỹ thuật sản xuất, tài liệu CITES, độc tính, nguồn gốc nguyên liệu và chi tiết sản xuất (sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón, quy mô trang trại và cây trồng, sử dụng nước, v.v.), dữ liệu hiệu quả, vật liệu đóng gói và hoạt động chế biến.
Các công ty có thể Đăng ký và đăng nhập miễn phí trên 1-2-Taste, một nền tảng B2B dành cho các loại thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên, nơi bạn có thể xem xét và tải xuống sản phẩm và thông số kỹ thuật cũng như bảng dữ liệu an toàn của hàng trăm thành phần. Đây là một công cụ tốt để theo dõi giá và tìm người mua và/hoặc đối thủ cạnh tranh tiềm năng.
3. Những yêu cầu và chứng nhận nào đối với thị trường ngách dành cho phụ gia thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên?
Sản xuất và chứng nhận hữu cơ
Đối với một số công ty châu Âu, chứng nhận hữu cơ là yêu cầu tối thiểu phải có. Một số công ty chỉ tập trung vào việc tìm nguồn cung ứng nguyên liệu và thực phẩm hữu cơ, trong khi những công ty khác cung cấp cả sản phẩm thông thường và sản phẩm hữu cơ. Chứng nhận hữu cơ đặc biệt phù hợp với những người mua đang tìm kiếm các thành phần có nhãn sạch.
Tại Liên minh Châu Âu, một sản phẩm có thể có logo sản xuất hữu cơ nếu sản phẩm đó đã được chứng nhận và chỉ khi ít nhất 95% thành phần có nguồn gốc nông nghiệp được sản xuất hữu cơ. Quy định hữu cơ mới được áp dụng vào ngày 1 tháng 1 năm 2022. Giống như quy định trước đó, chỉ một số chất phụ gia thực phẩm nhất định mới được phép sử dụng: kiểm tra danh sách các chất phụ gia được xác thực (Phần A của Phụ lục V).
Quy định hữu cơ mới mang đến cơ hội cho các nhà cung cấp ở các nước đang phát triển, vì sự linh hoạt hơn về nguồn gốc của sản phẩm đã được đưa ra. Theo quy định trước đây, các sản phẩm có nhãn hiệu ‘Nông nghiệp EU’ có thể chứa 2% thành phần không thuộc EU; quy định mới đã tăng tỷ lệ phần trăm này lên 5%.
Halal and Kosher
Có chứng nhận Kosher và Halal có thể là một lợi thế cạnh tranh và hấp dẫn đối với người mua châu Âu, vì các chứng nhận này đang gia tăng. Tuy nhiên, chúng vẫn là yêu cầu bắt buộc của các thị trường ngách và không phải là yêu cầu phổ biến ở Châu Âu. Việc được chứng nhận Kosher và Halal có thể gửi tín hiệu tích cực đến người mua về quy trình chất lượng của bạn, vì các tiêu chuẩn này yêu cầu tuân thủ các biện pháp vệ sinh nghiêm ngặt.
(Nguồn: Nghiên cứu của CBI đăng trên Bản tin tháng 5.2023)