Doanh nghiệp của bạn có đang gặp khó khăn với các quy định của quốc tế liên quan đến kim loại nặng như “Giới hạn dư lượng tối đa (MRL)” trong các sản phẩm quế xuất khẩu toàn cầu không? Trên thực tế, một số doanh nghiệp sản xuất sản phẩm quế để xuất khẩu dù tuân thủ mọi nguyên tắc của sản xuất hữu cơ bền vững, vẫn buộc phải bán các sản phẩm quế dưới hình thức quế kém chất lượng vì tồn dư kim loại nặng. Vấn đề này có thể làm giảm giá trị của quế Việt Nam trên thị trường quốc tế cũng như kim ngạch xuất khẩu của các công ty trong nước.
Nhằm nâng cao vị thế xuất khẩu của ngành quế bền vững tại Việt Nam, dự án Biotrade SECO và đội ngũ cán bộ của Trung tâm Phát triển Kinh tế Nông thôn – CRED đã hợp tác với Sáng kiến thương mại bền vững – IDH và Chương trình Bình đẳng giới trong Nông nghiệp và Du lịch – GREAT để thảo luận về phương pháp và phạm vi của nghiên cứu, sau đó xác định vai trò của các bên trong nghiên cứu vấn đề tồn dư kim loại nặng trong cây Quế, với mục tiêu:
- Nghiên cứu và phân tích tồn dư kim loại nặng tại các vùng canh tác quế và trong các sản phẩm quế.
- Phân tích các xu hướng tiêu dùng hiện nay đối với các sản phẩm quế và chất lượng quế tại các thị trường cấp cao.
- Phân tích các yêu cầu của thị trường cao cấp về dư lượng cho phép đối với Chì, Thuỷ ngân và Cadmium cũng như tác động của những kim loại này tới định hướng xuất nhập khẩu các sản phẩm quế.
- Đánh giá tác động của việc quản lý chất thải không đảm bảo, quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá tại các vùng canh tác quế và xung quanh vùng canh tác quế cũng như đánh giá tồn dư kim loại nặng trong môi trường như đất, nước, không khí ….
- Tìm ra nguyên nhân vấn đề tồn dư kim loại nặng và đưa ra các giải pháp cho các công ty.
- Đề xuất các giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn để giảm việc tồn dư kim loại nặng trong các sản phẩm quế.
Dự án Biotrade vùng – giai đoạn II (Biotrade SECO) hiện đang hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm bền vững trong lĩnh vực nguyên liệu tự nhiên tại Việt Nam.