Tham gia chuyến làm việc của Quốc vụ khanh phụ trách Nông nghiệp Thuỵ Sỹ còn có ông Alwin Kopse, Trưởng phòng Quan hệ Quốc tế và Hệ thống Thực phẩm của FOAG, ông Werner Gruber, Trưởng phòng Hợp tác, Đại sứ quán Thụy Sĩ, ông Đỗ Quang Huy, Giám đốc Chương trình Quốc gia của SECO, và bà Trần Như Trang – Đại diện Quốc gia Chương trình Xúc tiến Nhập khẩu Thụy Sĩ (SIPPO). Tại buổi làm việc, Sơn Hà đã trình bày các kết quả đạt được trong hai năm vừa qua, từ khi hợp tác với dự án Biotrade. Đặc biệt, Sơn Hà là công ty đầu tiên của Việt Nam cũng như thế giới đạt được chứng nhận UEBT/RA của Liên minh Thương mại Sinh học có Đạo đức và Rainforest Aliance (UEBT/RA) cho chuỗi giá trị Quế tại hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái nhờ sự hỗ trợ từ dự án Biotrade. Bên cạnh đó, công ty cũng đang đóng vai trò tiên phong trong việc triển khai Kế hoạch Hành động Đa dạng sinh học (BAP) để tiếp tục đóng góp vào việc bảo tồn đa dạng sinh học tại các vùng nguyên liệu của công ty. Sơn Hà cũng là một trong những công ty có nhiều đóng góp trong việc giải quyết các vấn đề của ngành thông qua việc tham gia các sự kiện đối thoại công tư do dự án Biotrade tổ chức. Đoàn làm việc của Quốc vụ khanh phụ trách Nông nghiệp Thuỵ Sỹ và công ty Sơn Hà cũng đã trao đổi về những cơ hội và thách thức đối với nguyên liệu tự nhiên nói chung và gia vị nói riêng xuất khẩu sang châu Âu, trong đó có thị trường Thụy Sỹ.
Quốc vụ khanh phụ trách Nông nghiệp Thuỵ Sĩ Christian Hofer, cho biết: “Bằng cách bảo tồn đa dạng sinh học, thúc đẩy sản xuất bền vững về mặt xã hội và môi trường, đồng thời hỗ trợ tiếp thị các sản phẩm này ra thị trường quốc tế, dự án Biotrade đã và đang góp phần tạo nên nền sản xuất bền vững hơn ở Việt Nam, đồng thời, thực hiện các mục tiêu của Hội nghị Toàn cầu về Hệ thống Lương thực và Thực phẩm bền vững, nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận đầy đủ, lâu dài và bền vững đối với thực phẩm có lợi cho sức khỏe trên toàn thế giới.”
Chuyến thăm một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh bền vững các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên và tiềm năng xuất khẩu lớn của các sản phẩm này ra thị trường quốc tế. Sự hỗ trợ của Thụy Sĩ thông qua dự án Biotrade đã nâng cao nhận thức về tiềm năng và lợi ích của việc đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững quốc tế trong lĩnh vực nguyên liệu tự nhiên, phù hợp với các giá trị bảo tồn đa dạng sinh học, cho các doanh nghiệp cũng như môi trường và hệ thống thực phẩm bền vững.