Những thay đổi trong ngành gia vị tại châu Âu
Trong một vài năm trở lại đây, ngành gia vị châu Âu đã chủ động liên kết với các chương trình nghị sự bền vững quốc tế. Nhiều tổ chức đã thực hiện hàng loạt các thay đổi để cải thiện tính bền vững của mình. Năm 2012, một nhóm các công ty và tổ chức đã thành lập Sáng kiến gia vị bền vững (SSI). Mục tiêu của SSI là tăng tốc và mở rộng quy mô bền vững trong toàn ngành. Các thành viên của Sáng kiến hiện bao gồm những tổ chức/công ty đóng vai trò chính tại thị trường gia vị châu Âu và quốc tế như: Tập đoàn Fuchs, McCormick, Nedspice, Olam, Royal Polak Spices, Unilever và Verstegen.
Tính bền vững cũng là ưu tiên hàng đầu của Hiệp hội Gia vị Châu Âu và các tổ chức khác. Các công ty gia vị châu Âu đã mở rộng và điều chỉnh các chính sách và dự án bền vững của họ. Ngày càng có nhiều tổ chức thực hiện và cam kết tuân theo Chương trình nghị sự phát triển quốc tế và giúp đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Ví dụ, chính sách bền vững của Verstegen tập trung vào nông lâm kết hợp và đóng góp cho SDG 13: Hành động vì khí hậu.
Quy định chặt chẽ hơn của châu Âu
Đã có một số mở rộng trong các quy định của châu Âu đề cập đến các khía cạnh xã hội, sinh thái, kinh tế và quản trị của tính bền vững. Do các quy định chặt chẽ hơn, các công ty hiện đang áp dụng các tiêu chuẩn bền vững cao hơn trong các sản phẩm và quy trình sản xuất chính. Bên cạnh đó là sự đòi hỏi cao hơn về thông tin các loại sản phẩm gia vị xuất khẩu sang châu Âu.
Trong số các quy định, Thỏa thuận xanh châu Âu (EGD) đang đặc biệt gây áp lực lên ngành gia vị tại đây. EGD là một gói các hành động nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 trong khi vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế. Các hành động được đề xuất bao gồm:
- Giảm sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón;
- Tăng cường canh tác hữu cơ;
- Cải tiến các công thức chế biến thực phẩm;
- Thay đổi vật liệu đóng gói sản phẩm; và
- Giới thiệu các quy tắc mới trong ghi nhãn sản phẩm
Các chính sách của EGD bao gồm Chiến lược “từ Trang trại tới Bàn ăn” và Chiến lược Đa dạng sinh học. Cả hai chiến lược này đều ảnh hưởng đến sản xuất và buôn bán gia vị. Kết quả của Chiến lược “từ Trang trại tới Bàn ăn” là Bộ quy tắc ứng xử của EU về thực hành tiếp thị và kinh doanh thực phẩm có trách nhiệm đã có hiệu lực vào năm 2021. Cho đến nay, 65 công ty và hiệp hội ở châu Âu đã ký kết Bộ quy tắc ứng xử này, trong đó bao gồm một số công ty chuyên kinh doanh gia vị và các công ty sử dụng gia vị để chế biến sản phẩm cuối cùng tới tay người tiêu dùng.
Năm 2022, Nghị viện Châu Âu cũng đã thông qua Khung đề xuất cho Đạo luật Thẩm định của EU. Đạo luật này yêu cầu các công ty và nhà cung cấp của EU hoặc cho EU phải đáp ứng các quy định chặt chẽ hơn về nhân quyền, tôn trọng môi trường và các nguyên tắc quản trị tốt. Đạo luật sẽ chỉ áp dụng cho các công ty/tập đoàn lớn. Tuy nhiên, các nhà cung cấp cho các công ty/tập đoàn lớn này là các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các nền kinh tế mới nổi cũng có thể bị ảnh hưởng.
Các doanh nghiệp xuất khẩu gia vị sang Châu Âu cần làm gì?
Có rất nhiều thứ doanh nghiệp có thể làm, và tất cả đều xuất phát từ sự hiểu biết và chiến lược.
- Nghiên cứu tỉ mỉ các chính sách bền vững khác nhau của người mua tại châu Âu để tìm hiểu thêm về các mối quan tâm chính và lĩnh vực ưu tiên của họ;
- Xác định các điểm mạnh và lĩnh vực cần cải thiện trong doanh nghiệp, đồng thời bắt đầu đầu tư vào các dự án bền vững để giải quyết chúng;
- Truyền thông các thành quả của doanh nghiệp một cách rõ ràng và đảm bảo rằng những thành quả đó có thể đo lường được.
Một số công cụ miễn phí có thể trợ giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Âu
- Để kiểm tra các rủi ro chính về tính bền vững trong gia vị, các doanh nghiệp có thể sử dụng Công cụ trực tuyến MVO CSR Risk Checker. Công cụ này cho phép doanh nghiệp xác định các lĩnh vực quan tâm chính đối với các loại gia vị cụ thể từ các nguồn gốc được xác định rõ ràng;
- Khi doanh nghiệp đã hiểu những rủi ro tiềm ẩn trong chuỗi cung ứng của mình ở đâu, thì một công cụ hữu ích là SDG Compass. Công cụ này cung cấp hướng dẫn thú vị về cách tích hợp các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc vào doanh nghiệp;
- Ma trận ngành SDG là công cụ giới thiệu các ví dụ cụ thể về ngành và ý tưởng cho hành động của công ty liên quan đến SDGs;
- Báo cáo kinh doanh năm 2022 của Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI) về SDGs – Phân tích các mục tiêu và chỉ tiêu bao gồm các mẹo về cách thiết lập SDGs trong doanh nghiệp và báo cáo về chúng.
(Nguồn: CBI Market Information Newsletter – February 2023)